Lượt xem: 96309

Âm mưu của thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ và nhân dân Nam bộ đứng lên kháng chiến bảo vệ độc lập chủ quyền Tổ quốc

Bằng cuộc tổng khởi nghĩa long trời lở đất trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân tộc ta đã đánh đổ ách thống trị của phát xít Nhật, thực dân Pháp và chế độ phong kiến nhà Nguyễn, thiết lập nhà nước kiểu mới – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á – Nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam vào ngày 2-9-1945 lịch sử.

 


Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào Nam chi viện cho mặt trận Nam bộ năm 1945. Ảnh: baotanglichsu.vn

 

    * Âm mưu thực dân Pháp

    Vừa giành được độc lập, tự do sau gần một thế kỷ bị ngoại bang đô hộ, nhân dân Nam bộ cũng như nhân dân cả nước thiết tha mong muốn có hòa bình để xây dựng lại quê hương đất nước. Tuy nhiên, mong muốn ấy chưa thực hiện được, vì thực dân Pháp ráp tâm âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày19/9/1945, Chính phủ Pháp cử một đội quân viễn chinh sang Việt Nam do tướng Lơ-cơ-léc làm chỉ huy, đồng thời cử Đô đốc Đác-giăng-li-ơ (D’Argenlieu ) làm Cao ủy. 

    Ngay khi đến Việt Nam, tướng Lơ-cơ-léc họp báo tuyên bố trắng trợn quân đội Pháp sẽ duy trì trật tự ở Sài Gòn và sẽ thành lập một “chính phủ Nam kỳ tự trị”.

    Đêm 22, rạng sáng 23/9/1945 tại Sài Gòn, được quân Anh giúp sức, quân Pháp nổ súng tấn công đánh chiếm Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát, Khám lớn, trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ và trụ sở Quốc gia Tự vệ cuộc… Âm mưu của thực dân Pháp là lợi dụng lúc quân đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, nhanh chóng dùng lực lượng quân sự sẵn có đánh chiếm Sài Gòn và Nam bộ, làm bàn đạp đánh chiếm toàn bộ Việt Nam, lập lại chế độ thuộc địa và liên bang Đông Dương như chúng đã từng làm hồi cuối thế kỷ XIX. Từ tháng 10/1945, khi quân Anh trao quyền lại cho Pháp, quân Pháp mở rộng đánh chiếm toàn Nam bộ.

    Đầu năm 1946, Jean Cesdile thành lập Hội đồng tư vấn Nam kỳ gồm 12 thành viên (có 8 người Việt) nhằm phục vụ ý đồ chính trị tách Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam. Sau Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) phái đoàn Pháp do Max Andre dẫn đầu tiếp tục bám giữ lập trường thực dân, đòi tách Nam bộ ra khỏi Việt Nam, không thừa nhận quyền ngoại giao độc lập của Việt Nam, nhằm lập lại chế độ thực dân ở Đông Dương. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (do Võ Nguyên Giáp dẫn đầu) vạch trần âm mưu của Pháp, kiên quyết giữ vững lập trường hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, thân thiện với nhân dân Pháp trên nguyên tắc bình đẳng, không xâm phạm chủ quyền của nhau.

    Khi hội nghị Phông-ten-blô (Fontainebleau) sắp diễn ra thì quân Pháp ở Nam kỳ do Đô đốc Đác-giăng-li-ơ làm Cao ủy đơn phương thành lập (công bố vào ngày 1/6/1946 tại Sài Gòn) cái gọi là “Chính Phủ cộng hòa Nam kỳ tự trị) do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm “Thủ tướng”. Ngày 5/6/1946, Chính phủ Pháp do Bộ trưởng Thuộc địa M. Moutet chấp thuận hành xử của D’Argenlieu nhằm đặt vấn đề Nam kỳ vào sự đã rồi và gây áp lực cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong đàm phán. Tại Nam kỳ, Đại tá Cédile - đại diện Cộng hòa Pháp liền ký với “Tân Thủ tướng Thinh” hiệp ước nhìn nhận Nam kỳ là một xứ tự do, riêng biệt trong “liên bang Đông Dương” thuộc Pháp.

    * Nam bộ kháng chiến

    Trước hành động của thực dân Pháp xâm lược và chia cắt đất nước, nhân dân cả nước Việt Nam đã kiên quyết đứng lên đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc trên vùng đất Nam bộ.

    Ngày 23/9/1945, nhân dân Sài Gòn và toàn Nam bộ đứng lên kháng chiến theo lệnh của Xứ ủy Nam bộ và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ. Ngày 24/9/1945, Chính phủ ra lời hiệu triệu đồng bào cả nước đứng lên tiêu diệt hết bè lũ xâm lăng để gìn giữ cho nền độc lập nước nhà. Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ, khẳng định quyết tâm của Chính phủ và đồng bào cả nước cùng Nam bộ “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”.

    Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp các địa phương trên cả nước sục sôi hướng về Nam bộ. Thanh niên nô nức tòng quân, các chi đội “Nam tiến”, gấp rút vào Nam chiến đấu. Nhân dân Nam bộ triệt để thực hiện chủ trương không hợp tác với giặc, tất cả công sở, hiệu buôn lập tức đóng cửa, các xí nghiệp ngừng hoạt động, không họp chợ, nhà máy điện, nhà máy nước bị phá. Nhân dân tự vệ, công nhân, cảnh sát, thanh niên xung phong, sinh viên lập chướng ngại vật, đắp ụ, lập các ổ chiến đấu ngăn chặn địch. Tuy mới hình thành, tổ chức còn phân tán, trang bị thô sơ, song với lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng các đơn vị vũ trang Nam bộ đã quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc.

    Từ cuối tháng 10/1945, quân Pháp đẩy mạnh kế hoạch phá vây, mở rộng đánh chiến ra vùng xung quanh Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ. Phát huy tinh thần độc lập, tự do, lực lượng vũ trang các tỉnh Nam bộ đã chiến đấu dũng cảm, ngăn chặn địch khi chúng đánh rộng ra vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong ba tháng từ 11/1945  đến tháng 1/1946, các đơn vị vũ trang cùng nhân dân các tỉnh miền Tây Nam bộ đã chiến đấu ngăn chặn làm chậm bước tiến của quân địch, gây cho chúng một số thiệt hại. Tuy nhiên, do lực lượng chênh lệch, Xứ ủy Nam bộ chỉ đạo các tỉnh sau khi đánh kềm giữ chân địch trong các thị xã một thời gian, đều phải rút lực lượng vũ trang ra các căn cứ bên ngoài, bảo tồn lực lượng kháng chiến lâu dài.

    Cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Nam bộ đã ngăn chặn được một bước quân xâm lược của thực dân Pháp, đánh đòn đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành nhiệm vụ kềm giữ chân địch trong thành phố và các thị xã trong thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc. Đồng thời cuộc kháng chiến ở Nam bộ còn có tác dụng kéo dài thời gian hòa bình ở Bắc bộ, làm bộc lộ những âm mưu thủ đoạn và khả năng đeo đuổi chiến tranh của thực dân Pháp, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu và bài học thiết thực cho quá trình chuẩn bị  đưa cả nước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

    Vào ngày 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quốc đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau 8 năm kháng chiến, nhất là sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Pháp phải chấp nhận ký Hiệp định Giơ ne vơ, công nhận chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

    Phát huy tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và “hễ còn một tên xâm lược thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi” trong kháng chiến chống Pháp cũng như kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Nam bộ nói chung, nhân dân Sóc Trăng nói riêng đã và sẽ chiến đấu bề bỉ, không mệt mỏi, biến xã, phường, thị trấn thành pháo đài, mỗi người dân là chiến sĩ, là chủ thể trong phòng, chống COVID-19 đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà, mọi người.

Lê Trúc Vinh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 77
  • Hôm nay: 6740
  • Trong tuần: 77,447
  • Tất cả: 11,800,767